Nhân khẩu Arunachal Pradesh

Nam giới người Nishi trong trang phục truyền thống

Bản mẫu:IndiaCensusPop

Arunachal Pradesh có thể phân tạm thời thành một tập hợp các môi trường văn hóa khá riêng biệt, dựa trên đặc tính, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa vật thể: Khu vực Tây Tạng giáp với Bhutan về phía tây, khu vực Tani tại miền trung của bang, và khu vực Mishmi về phía đông của khu vực Tani, khu vực Thái/Cảnh Pha/Tangsa giáp với Myanmar, và khu vực "Naga" tại phương nam, cũng giáp với Myanmar. Giữa các môi trường có các đới chuyển tiếp, như khu vực Aka/Hruso/Miji/Sherdukpen tạo vùng đệm giữa các bộ lạc Phật giáo Tây Tạng và bộ lạc miền núi Tani theo thuyết vật linh. Ngoài ra, có các dân tộc cô lập rải rác tại bang, như người Sulung.

Bên trong các môi trường văn hóa này, người ta phát hiện cư dân của các bộ lạc có liên hệ nói các ngôn ngữ có liên hệ và có truyền thống tương tự. Tại khu vực Tây Tạng, phát hiện lượng lớn người thuộc bộ lạc Monpa, với một số á tộc nói các ngôn ngữ thân cận song khó hiểu lẫn nhau, và cũng có lượng lớn người Tây Tạng tị nạn. Trong khu vực Tani, các bộ lạc lớn gồm Nyishi, Apatani. Tại miền trung, phát hiện người Adi với nhiều á tộc như Padam, Pasi, Minyong và Bokar. Người Milang nằm trong môi trường "Adi", song khá khác biệt. Về phía đông, Idu, Miju và Digaru hình thành khu vực văn hóa-ngôn ngữ "Mishmi", có thể hình thành một nhóm lịch sử rõ ràng hoặc không.

Về phía đông nam, người Khamti thuộc nhóm Thái khác biệt về ngôn ngữ so với các láng giềng của họ và khác biệt về văn hóa với phần lớn các bộ lạc khác trong bang, họ theo phái Phật giáo Nam Tông. Họ cũng thể hiện hội tụ đáng kể với các bộ lạc SingphoTangsa trên cùng khu vực, các dân tộc này cũng hiện diện tại Myanmar. Ngoài ra, người Nocte và Wancho thể hiện tương đồng về văn hóa và có thể là ngôn ngữ với các bộ lạc tại bang láng giềng Nagaland.

Ngoài ra, còn có lượng lớn di dân từ các khu vực khác nhau tại Ấn Độ và Bangladesh, họ không được quyền định cư vĩnh cửu theo pháp định, song trên thực tế là vô thời hạn, điều này dần thay đổi kết cấu nhân khẩu học truyền thống trong bang. Cuối cùng, những "người Nepal" (thực tế là các tộc nhân Tạng-Miến chiếm ưu thế tại nhiều khu vực tại Nepal, song không có địa vị bộ lạc tại Ấn Độ) và Chakma phân bổ tại các khu vực khác trong bang (song khó có được số liệu khả tín).

Phật giáo được 13% dân số trong bang hành đạo. Đây là một tượng Phật tại Tawang, Arunachal Pradesh.

Tỷ lệ biết chữ tăng lên theo số liệu chính thức là từ 57,74% vào năm 2001 lên 66,95% vào năm 2011. Số người biết chữ được cho là 789.943. Số nam giới biết chữ là 454.532 (73,69%) và số nữ giới biết chữ là 335.411 (59,57%).[25]

Tôn giáo

Tôn giáo tại bang (2011)[26]

  Cơ Đốc giáo (30.26%)
  Ấn Độ giáo (29.04%)
  Donyi-Polo (26.2%)
  Hồi giáo (1.9%)
  Khác (0.84%)

Một tỷ lệ chưa chắc chắn song tương đối lớn cư dân Arunachal là những người tôn thờ tự nhiên (tôn giáo bản địa), và theo các tổ chức truyền thống riêng của họ như Nyedar Namlo của người Nyishi, Rangfrah của người Tangsa & Nocte, Medar Melo của người Apatani, Kargu Gamgi của người Galo và Donyi-Polo Dere của người Adi dưới sự bảo trợ của tôn giáo bản địa Donyi-Polo. Một lượng nhỏ cư dân Arunachal theo truyền thống được xác định là tín đồ Ấn Độ giáo, song số lượng đang gia tăng do các truyền thống thuyết vật linh được hợp nhất với truyền thống Ấn Độ giáo. Phật giáo Tây Tạng chiếm ưu thế tại các huyện Tawang, West Kameng, và các khu vực cô lập lân cận Tây Tạng. Phật giáo Nam Tông được các nhóm sống gần biên giới Myanmar hành lễ. Khoảng 30% cư dân theo tín ngưỡng Cơ Đốc.[27]

Theo Điều tra nhân khẩu Ấn Độ 2011, tôn giáo tại Arunachal Pradesh phân thành:[28]

  • Cơ Đốc giáo: 418.732 (30,26%)
  • Ấn Độ giáo: 401.876 (29,04%)
  • Khác (hầu hết là Donyi-Polo): 362.553 (26,2%)
  • Phật giáo: 162.815 (11,76%)
  • Hòi giáo: 27.045 (1,9%)
  • Sikh: 1.865 (0,1%)
  • Jain: 216 (<0.1%)

Theo điều tra nhân khẩu năm 2001, trong số 705.158 cư dân bộ lạc tại Arunachal, 333.102 người theo thuyết vật linh (47,24%), 186.617 theo Cơ Đốc giáo (26,46%), 92.577 theo Ấn Độ giáo (13,13%), và 82.634 theo Phật giáo (11,72%).

Trong số 101 bộ lạc được công nhận, 37 bộ lạc có đa số thành viên theo thuyết vật linh (như Nyishi, Adi Gallong, Tagin, Adi Minyong, Adi, Apatani), 23 bộ lạc có đa số thành viên theo Cơ Đốc giáo (như Wancho, Mossang Tangsa, Bori, Yobin), 15 bộ lạc có đa số thành viên theo Ấn Độ giáo (Mishmi, Mishing/Miri, Deori, Aka, Longchang Tangsa.) và 17 bộ lạc có đa số thành viên theo Phật giáo (Monpa, Khampti, Tawang Monpa, Momba, Singpho, Sherdukpen.). Tám bộ lạc còn lại có đa đức tin, tức là không có tôn giáo chiếm ưu thế (như Nocte, Tangsa, Naga.).[29]

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ tại Arunachal Pradesh năm 2001[30][31][32]

  Nyishi (18.94%)
  Adi (17.57%)
  Bengal (8.8%)
  Nepal (8.5%)
  Hindi (7.3%)
  Assam (4.6%)
  Monpa (5.1%)
  Wancho (4.3%)
  Tangsa (3.1%)
  Mishmi (3.1%)
  Mishing (3.0%)
  Nocte (2.9%)
  Khác (11.5%)

Arunachal Pradesh hiện nay nằm trong các khu vực dồi dào và đa dạng nhất trên phương diện ngôn ngữ tại châu Á, là nơi có ít nhất 30 và có thể lên đến 50 ngôn ngữ riêng biệt, cộng thêm vô số phương ngôn và bán phương ngôn từ đó. Ranh giới giữa các ngôn ngữ thường tương quan với phân chia bộ lạc, chẳng hạn Apatani và Nyishi khác biệt trên phương diện bộ lạc và ngôn ngữ. Tuy nhiên, thay đổi trong nhận thức và liên kết bộ lạc qua thời gian cũng làm xuất hiện một số trường hợp phức tạp nhất định, như Galo dường như luôn tách biệt về ngôn ngữ với Adi, trong khi liên kết bộ lạc trước đó giữa Galo và Adi ("Adi Gallong") gần đây mới bị giải thể về cơ bản.

Đại đa số ngôn ngữ bản địa tại Arunachal Pradesh hiện nay thuộc ngữ tộc Tạng-Miến. Đa số chúng thuộc về nhánh Abo-Tani trong ngữ tộc này. Hầu như toàn bộ nhóm ngôn ngữ Tani là bản địa tại miền trung Arunachal Pradesh, bao gồm (từ tây sang đông) nói tiếng Tani, Nyishi, Apatani, Tagin, Galo, Bokar, Adi, Padam, Pasi, và Minyong. Hầu hết các ngôn ngữ Tani hiểu lẫn nhau với ít nhất một ngôn ngữ Tani khác, có nghĩa là khu vực hình thành một chuỗi phương ngôn, như từng thấy tại phần lớn châu Âu; chỉ có Apatani và Milang tương đối bất thường trong phạm vi Tani. Các ngôn ngữ Tani nằm trong nhóm được nghiên cứu tốt hơn trong khu vực.

Về phía đông của khu vực Tani là ba ngôn ngữ hầu như chưa được mô tả và gặp nguy hiểm cao độ của nhóm "Mishmi" thuộc ngữ tộc Tạng-Miến: Idu, Digaru và Miju. Một số người tại Tây Tạng cũng nói ba ngôn ngữ này. Mối quan hệ của ba ngôn ngữ này, cả về giữa chúng và với các nhóm khác, là điều chưa chắc chắn. Xa hơn về phía nam là ngôn ngữ Singpho (Kachin), một lượng cư dân lớn tại Myanmar cũng nói ngôn ngữ này; cùng với các ngôn ngữ Nocte và Wancho, chúng có nguồn gốc nhất định với các ngôn ngữ Naga nói tại Nagaland hiện nay.

Về phía tây và phía bắc của khu vực Tani có ít nhất một và có thể đến bốn ngôn ngữ Bodic, gồm Dakpa và Tshangla; trong Ấn Độ hiện nay, các ngôn ngữ này được cho là cùng gốc, nhưng thường được gán lần lượt cho người Monpa và Memba. Hầu hết người nói các ngôn ngữ này hoặc các ngôn ngữ Bodic có liên hệ mật thiết được tìm thấy tại Bhutan và Tây Tạng láng giềng, và cư dân Monpa và Memba duy trì cư trú sát các khu vực biên giới này.

Giữa các khu vực Bodic và Tani là một số lượng lớn các ngôn ngữ gần như chưa được mô tả và phân loại hoàn chỉnh, song được suy đoán thuộc ngữ tộc Tạng-Miến, trong số đó có Sherdukpen, Bugun, Aka/Hruso, Koro, Miji, Bangru và Puroik/Sulung. Tầm quan trọng cao độ về phương diện ngôn ngữ của chúng ngược với số lượng tài liệu và mô tả cực kỳ ít về chúng, dù chúng gặp nguy hiểm cao độ.

Cuối cùng, ngoài các ngôn ngữ Bodic và Tani là một số ngôn ngữ di cư, phần lớn người nói chúng là các di dân và nhân viên chính phủ trung ương phục vụ tại bang trong các cơ quan và tổ chức khác nhau. Họ được phân loại là phi bộ lạc theo các điều khoản trong Hiến pháp Ấn Độ.

Ngoài ngữ tộc Tạng-Miến, tại Arunachal Pradesh có một đại biểu duy nhất của nhóm ngôn ngữ Thái, người nói là các bộ lạc như Khampti và Singpho và nó liên kết mật thiết với tiếng Shan tại Myanmar. Có vẻ là người Khampti mới di cư đến Arunachal Pradesh từ khoảng 18 và/hoặc đầu thế kỷ 19 từ miền bắc Myanmar. Các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Ấn-Âu như tiếng Assam, tiếng Bengal, tiếng Anh, tiếng Nepal và đặc biệt là Hindi đang xâm nhập mạnh tại Arunachal Pradesh. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giáo dục tiểu học, vì người giảng dạy thường là các giáo viên di cư nói tiếng Hindi từ Bihar và các bộ phận khác nói tiếng Hindi tại miền bắc Ấn Đọ— một lượng lớn đang tăng lên trong cư dân địa phương hiện nói một dạng nửa bồi của tiếng Hindi làm ngôn ngữ mẹ đẻ. Mặc dù vậy, có thể là do đa dạng ngôn ngữ trong khu vực, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức duy nhất được công nhận tại bang.

Số người nói các ngôn ngữ lớn trong bang theo điều tra nhân khẩu năm 2001 là Nyishi (208.337), Adi (193.379), Bengal (97.149), Nepal (94.919), Hindi (81.186), Monpa (55.428), Assam (51.551), Wancho (48.544), Tangsa (34.231), Mishmi (33.522), Mishing (33.381), Nocte (32.591), và các ngôn ngữ khác (64.711).[33][34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Arunachal Pradesh http://www.tibet.cn/t/040616zazc_cyjc/200402004617... http://www.atimes.com/atimes/South_Asia/JF27Df01.h... http://www.dnaindia.com/india/report-narendra-modi... http://articles.economictimes.indiatimes.com/2012-... http://articles.economictimes.indiatimes.com/2014-... http://timesofindia.indiatimes.com/India/Tawang_is... http://timesofindia.indiatimes.com/india/Modi-to-f... http://timesofindia.indiatimes.com/india/Top-offic... http://www.indiatimes.com/lifestyle/travel/arunach... http://www.livemint.com/Politics/nqEwdXxkIgrSHPpTS...